Trương Gia Giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, giữa khu vực nhô lên của vùng cao nguyên hai tỉnh Vân Nam, Quý Châu và vùng trũng xuống của hồ Động Đình. Chính điều này đã góp phần tạo nên cảnh đẹp thần tiên, từ núi non, sông nước hữu tình đến những thung lũng nên thơ, khu rừng nguyên sinh hoang dã.
Năm 1982, nó được công nhận là công viên rừng quốc gia đầu tiên của Trung Quốc với diện tích 4.810 ha. Công viên Rừng Quốc gia Trương Gia Giới là một phần của Khu Thám hiểm Vũ Lăng Nguyên rộng hơn 397,5 km2. Năm 1992, Vũ Lăng Nguyên được chính thức công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO. Sau đó, Trương Gia Giới đã được Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc chấp thuận là Công viên địa chất quốc gia (3.600 km2) vào năm 2001. Năm 2004, Công viên địa chất Trương Gia Giới được xếp vào danh sách các Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
Các đặc điểm địa lý đáng chú ý nhất của công viên là các trụ đá và vách núi cao, có khoảng 3.000 cột đá và vách núi hình thù phong phú và độc đáo, có cột cao tới 800 m. Giữa các cột đá và khe núi là các hang động, dòng suối, những rừng cây nguyên sinh, nơi cư trú của nhiều loài cây ôn đới. Mặc dù có địa hình đá vôi, khu vực này không phải là các mỏ đá vôi và cũng không phải là sản phẩm của quá trình hòa tan, bào mòn hóa học -đặc trưng của núi đá vôi.
Chúng là kết quả của quá trình kiến tạo địa chất kéo dài suốt 380 triệu năm, từ khi cả khu vực còn chìm sâu dưới đáy biển, qua nhiều lần nâng lên hạ xuống của vỏ trái đất và quá trình bào mòn, phong hóa. Các trụ cột này là kết quả của việc đóng băng vào mùa đông, tan băng mùa hè và những cây cối phát triển trên đó. Thời tiết ẩm ướt quanh năm, và kết quả là rừng cây phát triển mạnh, lá cây dày đặc.
Đứng trên đỉnh núi, bạn sẽ có cảm giác như bước vào một thế giới thần tiên với những ngọn núi vươn lên từ thung lũng mây không lồ. Cảnh sắc mờ mờ, ảo ảo với những hình khối màu sắc kỳ lạ. Địa hình này đã trở thành một cảnh quan độc đáo của địa chất Trung Quốc, đi vào nhiều tác phẩm hội họa cổ.
Một trong những cột đá thạch anh của công viên mang tên "Trụ Thiên Nam" được lấy làm nguyên mẫu trong siêu phẩm Avatar (2009) của đạo diễn lừng danh Hollywood James Cameron. Cột trụ cao 1.080m, đầu năm 2010 được đổi tên thành "Avatar Hallelujah".
Theo các nhân viên của đoàn làm phim Avarta, họ đã nhìn thấy các bức ảnh về những ngọn núi đá tại Trương Gia Giới và chúng đã trở thành cảm hứng cho những ngọn núi bay lơ lửng nổi tiếng trong phim.
Thang máy Bách Long, là một thang máy bằng kính, xây tựa vào một vách núi khổng lồ ở khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên Với độ cao 330 m, đây được xem là thang máy ngoài trời cao nhất và nặng nhất trên thế giới.
Bách Long bắt đầu xây dựng vào tháng 10 năm 1999 và chính thức đưa vào sử dụng năm 2002. Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên được công nhận là di sản thế giới vào năm 2002 nên việc tác động vào môi trường của thang máy này đã trở thành đề tài tranh cãi. Thang máy đã tạm ngừng hoạt động trong 10 tháng từ năm 2002-2003 do những vấn đề an toàn, chứ không phải do những vấn đề môi trường, mặc dù có những ý kiến phản đối chiếc thang máy này do có tác động xấu tới môi trường.
Ngày 16 tháng 7 năm 2015, Bách Long đã được tổ chức kỷ lục thế giới Guinness công nhận là thang máy ngoài trời cao nhất thế giới. Nó có thể vận chuyển khách du lịch lên đỉnh từ chân trong vòng chưa đầy hai phút. Cấu trúc bao gồm ba thang máy thủy tinh riêng biệt, mỗi chiếc có thể chứa tối đa 50 người mỗi lần.
Vào tháng 8 năm 2016, công viên mở ra Cầu thủy tinh Grand Canyon Glass, cây cầu thủy tinh dài nhất (430m) và cao nhất (300 m) trên thế giới. Mười ba ngày sau khi khai mạc, cây cầu đã bị đóng cửa do số lượng du khách quá lớn đến thăm quan. Nó được mở lại vào ngày 30 tháng 9 năm 2016 sau khi đã điều chỉnh các biện pháp hậu cần và an toàn để xử lý lượng khách lớn.
Thiên Môn là một trong những ngọn núi tuyệt đẹp cũng như đặc biệt nhất Trương Gia Giới. Để lên được tới đỉnh, du khách phải đi hết con đường dài 11 km uốn lượn quanh núi. Con đường này khá dốc, tăng độ cao từ 200 m lên tới 1.300 m với 99 khúc cua ngoằn ngoèo tới chóng mặt. Tuy nhiên, hệ thống cáp treo phần nào giúp du khách nhanh chóng đến gần hơn với “Cổng trời”.
Tới chân núi mới được nửa hành trình, muốn lên tới Cổng Trời du khách phải leo 999 bậc thang bằng đá, thẳng đứng, chia làm 3 làn, có tay vịn. Gian nan là vậy nhưng ngay khi đặt chân lên tới đỉnh, cả một khung cảnh bồng lai như ở cõi Phật hiện ra trước mắt khiến ai ai cũng cảm thấy mãn nguyện. Du khách được tham quan ngôi đền Thiên Môn Sơn có lịch sử từ hàng ngàn năm trước, dâng lên những nén nhang cầu mong an lành.