Mùa Giáng sinh ở Philippines bắt đầu vào ngày 16/12. Mọi người thường không ngủ vào đêm Giáng sinh vì các bữa tiệc Giáng sinh (“Noche Buena”) chỉ bắt đầu sau nửa đêm. Thực đơn cho các bữa tiệc Giáng sinh ở Philippines rất phong phú gồm “bibingka” (một loại bánh), “puto bungbong” (món ăn làm từ gạo nếp), “kare-kare” (đuôi bò hầm trong đậu phộng sốt bơ), “rellenong manok” (gà nướng)…
Ở Philippines, những thành viên lớn tuổi và được kính trọng nhất (được gọi là “lola”) sẽ là người chủ trì các buổi tiệc gia đình trong dịp lễ Giáng sinh. Trẻ em trong gia đình sẽ đứng xếp hàng trước “lola” để nhận tiền mừng, đứa trẻ lớn tuổi hơn sẽ được nhận nhiều tiền hơn. Vào ngày Giáng sinh, trẻ em đến thăm ông bà, cô chú và cha mẹ đỡ đầu. Sau đó, chúng sẽ được nhận tiền mừng, kẹo hoặc đồ chơi.
Chỉ có khoảng 2% dân số Nhật Bản theo đạo Cơ Đốc nhưng Giáng sinh là một lễ hội rất phổ biến tại Nhật. Vào dịp Giáng sinh, mọi người thường thưởng thức “bánh Giáng sinh” - một loại bánh xốp có kem và trái cây trang trí phía trên. Ngoài ra, những cặp đôi và bạn bè thường trao cho nhau những món quà ý nghĩa. Người Nhật tin rằng bên nhau trong các dịp lễ Giáng sinh là một điều vô cùng tuyệt vời.
Vào mùa Giáng sinh, người Nhật thường nghe bản giao hưởng số 9 của Ludwig van Beethoven. Người Nhật gọi bản giao hưởng này là “Daiku” hoặc “Great Nine”. Người Nhật không có Santa Claus hoặc Saint Nicholas nhưng họ có “Hoteiosho” với đôi mắt phía sau đầu. Vì vậy, trẻ em được khuyên phải luôn ngoan ngoãn khi Hoteiosho xuất hiện.
Santa hay “Santa Haraboji” là nhân vật hư cấu rất phổ biến đối với trẻ em ở Hàn Quốc vào dịp Giáng sinh. Điều khác biệt giữa hình tượng Santa Haraboji ở Hàn Quốc là ông mặc quần áo màu đỏ và màu xanh. Các bữa ăn vào dịp Giáng sinh ở Hàn Quốc bao gồm các món ăn truyền thống như mì sợi, “bulgogi” (thịt bò nướng), bánh canh gạo và kim chi.
Người theo đạo Cơ Đốc ở Ấn Độ dùng cây xoài hoặc chuối cây để trang trí vào dịp Giáng sinh. Lá xoài đôi khi cũng được sử dụng như một vật trang trí. Ở phía Nam của Ấn Độ, người ta đặt đèn đất sét nhỏ trên mái nhà. Họ tin rằng ánh sáng của đèn tượng trưng Chúa Giê-su là ánh sáng của thế giới.
Ở Mumbai, người dân địa phương thường đặt một tiểu cảnh Giáng sinh ngay các cửa sổ nhà mình. Những chiếc đèn giấy lớn hình ngôi sao cũng rất phổ biến. Trong mùa Giáng sinh, người dân thường ca hát để ăn mừng Giáng sinh.