Sự cầu kỳ trong ẩm thực của người Trung Quốc đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Đặc biệt vì đón năm mới theo lịch âm, ngày Tết Nguyên Đán rất quan trọng đối với họ. Ăn uống trong những ngày này phải được lưu ý kỹ càng, món ăn phải giàu ý nghĩa, mang theo nhiều hy vọng và cầu nguyện.
Cá là món ăn mà hầu hết người Trung Quốc đều thưởng thức vào đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới. Món cá ở Trung Quốc mang ý nghĩa thịnh vượng và dư dả, người dân luôn mong muốn một cuộc sống sung túc đủ đầy vì vậy ngày đầu năm mới, họ thường ăn cá.
Họ sẽ chuẩn bị 2 con cá, một con dành cho ngày cuối năm và một con dành cho ngày đầu tiên của năm vì họ muốn được sung túc cả năm. Người Trung Quốc cũng có một số nguyên tắc cho các thành viên trong gia đình: phần đầu cá sẽ dành cho chủ nhà hoặc những người lớn tuổi nhất, tất cả các thành viên còn lại phải đợi người lớn tuổi nhất gắp đũa đầu tiên thì mới được thưởng thức. Hai thành viên ngồi đối diện phần đầu và đuôi cá phải cạn chén với nhau thay cho lời chúc phúc trên bàn ăn. Ngoài ra cá không được di chuyển cũng như lật qua lại.
Người Trung Quốc sẽ để lại một ít cá trên đĩa sau bữa ăn vì điều này mang ý nghĩa họ sẽ dư dả cả năm.
Với lịch sử hơn 1800 năm, sủi cảo là món ăn truyền thống và cổ điển có mặt trong đêm giao thừa. Sở dĩ món ăn này lại đại diện cho sự giàu có, vì hình dáng sủi cảo giống với thỏi bạc ngày xưa ở Trung Quốc, người ta tin rằng ăn sủi cảo vào năm mới sẽ có nhiều tiền.
Sủi cảo thường được gói với thịt và các loại rau băm nhỏ, trong một lớp bột mỏng và dẻo. Các món sủi cảo phổ biến là thịt heo, tôm lát, cá, thịt gà, thịt bò và rau. Sủi cảo thường được hấp, nướng hoặc chiên và cả gia đình sẽ thưởng thức món này sau nửa đêm.
Chả giò có màu sắc và hình dạng giống thỏi vàng vì vậy nó cũng tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. Chả giò là món ăn đặc biệt phổ biến ở các tỉnh phía Đông Trung Quốc: Giang Tây, Giang Tô, Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Châu, Thâm Quyến, Hồng Kông...
Chả giò có đầy đủ các loại rau, thịt, được gói trong lớp bánh tráng, sau đó chiên vàng, thưởng thức vào ngày đầu năm.
Bánh tổ vào ngày đầu năm mới có ý nghĩa như lời chúc thăng tiến cho các thành viên trong gia đình. Đây là loại bánh được làm từ gạo nếp loại tốt, dẻo và thơm, đường bát được thắng kỹ, loại bỏ hết tạp chất và bỏ ít gừng tươi để tạo hương vị.
Chè trôi nước thường được người Trung Quốc chuẩn bị vào dịp Tết Trung Thu nhưng ở miền Nam Trung Quốc, món chè này vẫn được thưởng thức vào ngày đầu năm. Với hình dạng tròn và đồng âm với từ "viên" trong "viên mãn", chè trôi nước đại diện cho gia đình đoàn tụ, thay lời chúc hạnh phúc đến các thành viên trong gia đình.
Không gì quan trọng bằng một lời chúc nhiều sức khỏe, vì vậy món mì trường thọ được đặc biệt chuẩn bị cho ngày Tết và mỗi thành viên trong nhà đều được thưởng thức. Độ dài của sợi mì đại diện cho tuổi thọ của người ăn.
Việc trưng bày trái cây trong ngày Tết ở Trung Quốc cũng khá quan trọng. Tất cả các gia đình Trung Quốc đều trung cam, quýt và bưởi. Vì chúng có hình tròn, màu vàng, tượng trưng cho sự may mắn và giàu có.